nh toán
Ngày:07/02/2021 lúc 03:12PM
Chơi nhiếp ảnh, ai cũng muốn những tác phẩm của mình hoàn thiện, đẹp hơn qua từng khung hình. Vậy như thế nào là đẹp? Như thế nào là một tác phẩm thành công? Hôm nay chúng ta cùng bàn kỹ về vấn đề này nhé!
Có khi nào bạn xem những tấm hình mà người khác thấy bình thường còn riêng bạn thấy thực sự quá đẹp? Và trường hợp nữa, có những tấm hình mọi người khen tuyệt đẹp, thậm trí đạt giải cao trong các cuộc thi uy tín, nhưng bạn thì chưa cảm nhận được gì cả?
Nhiếp ảnh có rất nhiều thể loại, rất nhiều phong cách. Sở thích sở trường của mỗi người cũng rất khác nhau. Vậy liệu có cách nào vạch rõ, như thế nào là một tác phẩm thành công? Tức như thế nào là chuẩn đẹp cho một bức ảnh? Chúng ta cùng xem các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới nói gì về điều này.
Tôi luôn chia sẻ trong các workshop của mình rằng, các bạn phải làm sao gợi một cảm xúc chân thực khi người ta xem ảnh mình chụp. Đó có thể là cảm xúc buồn, lắng đọng, hoài nghi, hay sôi động, hạnh phúc, thậm chí là tức giận hoặc gợi sự tò mò...
Justin là một nhiếp ảnh gia đạt nhiều giải thưởng danh giá. Anh làm việc cho The NewYork Times, Newsweek, Forbes, Conde Nast Traveler và National Graphic Traveler. Tại Việt Nam anh sở hữu công ty chuyên nhiếp ảnh Mott Visual và là ban giám khảo thường kỳ của cuộc thi Canon Photo Marathon hàng năm. Các tác phẩm của Justin Mott được đăng tại đây.
Sau hơn 10 năm làm việc trong ngành nhiếp ảnh, tôi nhận thấy rằng một bức ảnh đẹp là một bức ảnh có khả năng tạo ra các phản ứng của cảm xúc ngay khi vừa xem. Nếu nó làm tôi ngạc nhiên bởi một góc nhìn khác thường, làm tôi buồn bã bởi vẻ đẹp lãng mạn, hay làm tôi tức giận bởi sự bất công, thì đó là một hình ảnh đẹp! Nó có thể chưa chuẩn về bố cục, ánh sáng, thay thiếu kỹ thuật, nhưng nó gợi cảm xúc mạnh mẽ, vậy là một tác phẩm thành công.
Jon và vợ Tina là nhiếp ảnh gia tự tại London. Công việc chuyên môn của họ là chụp ảnh cho các tạp chí, in ấn, quảng cáo trên web và sách của từng thể loại khác nhau. Xem thêm về các tác phẩm nhiếp ảnh của Jon và Tina tại đây.
Một bức ảnh có khả năng đưa bạn vào một thời điểm cụ thể nào đó, một câu chuyện nào đó, hoặc một cảm xúc nào đó, thì đó là một tác phẩm tuyệt vời!
Larissa làm mọi thứ với chiếc iPhone khiến tôi và chiếc máy DSLR ưa thích của tôi phải ghen tỵ. Sự sáng tạo của cô thấm vào những bức ảnh thông qua phong cách chụp và biên tập ảnh đầy cá tính. Xem thêm hình ảnh độc đáo của cô ấy tại đây.
Tôi nghĩ có nhiều khía cạnh để có một bức hình đẹp, nhưng điều quan trọng nhất là sức cuốn hút của nội dung trong ảnh. Ngay cả khi kỹ thuật thực hiện chưa tốt, lấy nét và bố cục chưa ổn, nhưng ý nghĩa thông điệp của tấm hình vẫn là điểm lớn để đánh giá một bức ảnh. Tất nhiên, nếu tất cả những điều ấy đều được làm cẩn thận, tỉ mỉ thì đó thực sự là một tác phẩm hoàn hảo rồi.
Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là, mỗi người trong chúng ta lại bị hấp dẫn bởi những nội dung khác nhau. Bởi vậy, khi tôi chụp một tấm hình mà khiến đa số mọi người cuốn hút vào nhận xét, thích thú thì tôi đã thấy mình thành công rồi!
Kỹ năng sử dụng màu sắc và ánh sáng của David thu hút người xem và giữ ánh mắt họ ở đó. Vào năm 2012, anh đã giành được hạng mục du lịch của Cuộc thi Nhiếp ảnh Smithsonian và tác phẩm của anh thường được xuất bản trong các tạp chí du lịch và nhiếp ảnh lớn trên thế giới. David đến từ Brisbane, Úc, và anh đã đi du lịch hàng năm để chụp hình khắp nơi trên thế giới từ năm 2004. Xem thêm về công việc của David tại đây.
Yếu tố quan trọng nhất của bức ảnh đẹp là khả năng của bức ảnh có thể giao tiếp với người xem. Nó sẽ có thể kể một câu chuyện thông qua nhân vật, ánh sáng, bố cục và quan trọng nhất là vấn đề nội tại của cuộc sống được thể hiện sống động trong tấm hình.
Dario là một nhiếp ảnh gia người Mỹ sống ở Hà Lan. Anh ấy chụp rất nhiều thể loại bao gồm du lịch, đám cưới, chân dung và cảnh dưới nước. Mục tiêu của anh ta là chụp ảnh khắp mọi nơi trên thế giới, và anh ta đang trên đường đi thăm hơn 30 quốc gia để thực hiện điều đó. Đọc những câu chuyện của Dario và xem thêm những bức ảnh tuyệt vời của anh ấy tại trang web cá nhân tại đây.
Nếu chúng ta đang nói về một bức chân dung của một con người, thì tôi nghĩ rằng yếu tố thần thái của nhân vật sẽ là yếu tố quan trọng nhất. Một khuôn mặt khắc nghiệt, khổ đau, khắc khoải, hay vui tươi, hạnh phúc, chúng ta phải cảm nhận được khi xem ảnh, đó là một sự kết nối với chủ thể trong hình. Vì vậy, theo tôi, đây là điều làm nên một tác phẩm đẹp.
Matt là một nhiếp ảnh gia du lịch nhân đạo có trụ sở tại Malaysia và là tác giả đã cộng tác với các tổ chức phi chính phủ để kể câu chuyện của họ và đào tạo nhân viên thực địa của họ để làm như vậy. Hình ảnh của anh đã được các khách hàng như Partner Aid International, NeighborWorks, BBC, Honda Motor Corporation, và Bombadier Transport Corporation, Asian Geographic, KLM Airlines và những người khác sử dụng. Xem thêm về các tác phẩm ấn tượng của Matt tại trang web cá nhân.
Ánh sáng! Khả năng của ánh sáng để biến đổi một chủ thể từ bình thường sang phi thường là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong việc xử lý của nhiếp ảnh gia. Và đó là yếu tố quyết định một tác phẩm thành công.
Richard là một nhiếp ảnh gia người Úc. Ông đã viết 10 cuốn sách về nhiếp ảnh du lịch, trong đó có đồng tác giả với Lonely Planet trong cuốn Cẩm nang Du lịch Thế giới. Ông đã đi khắp nơi trong hơn 30 năm, ghé thăm 85 quốc gia và tất cả 7 châu lục. Xem thêm về Richard tại trang web cá nhân.
Chúng ta đã được biết suy nghĩ của những nhiếp ảnh gia thành công trên thế giới về câu hỏi: Thế nào là một tác phẩm đẹp. Tựu chung lại, có 3 ý chính để làm nên một tác phẩm thuyết phục:
- Truyền tải một thông điệp cuộc sống.
- Giao tiếp với người xem bằng cảm xúc: vui, buồn, lo lắng, giận dữ, bối rối, gợi tò mò,...
- Đối với ảnh chân dung, là thần thái sắc diện rõ nét.
Điểm đáng chú ý là cả 7 nhiếp ảnh gia trên đều không hề đề cập đến việc sử dụng thiết bị nào để tác nghiệp. Liệu rằng thiết bị có thực sự quan trọng không, khi cảm xúc và câu chuyện mới là thứ mang đến cái hồn đẹp đẽ cho một tấm hình?
Qua bài viết này, tôi muốn rút ra phương pháp trau dồi, nâng cao tư duy và kỹ năng chụp ảnh từ những người giỏi. Chúng ta chơi ảnh thì cần có các cộng đồng, group để trao đổi, chia sẻ, học hỏi. Đây là môi trường rất tốt để tích lũy thêm kiến thức cho bản thân. Tuy nhiên cách học từ group như thế nào cho hiệu quả mới là vấn đề cần đặt ra.
Tôi hay thấy mỗi khi có một tấm ảnh đẹp của nhiếp ảnh gia nào đó chia sẻ, thì xuất hiện các comment đặt câu hỏi như: ảnh chụp thông số thế nào, chụp bởi bộ gear gì. Liệu những câu hỏi này có thực sự giúp bạn chụp ảnh giỏi hơn? Câu trả lời là KHÔNG, nếu bạn không biết rõ lý do nào họ chọn bộ gear đó, vì sao họ set máy như thế. Mỗi thời điểm, mỗi khung cảnh, mỗi góc nhìn sẽ thích hợp một thông số kỹ thuật riêng, không thể áp dụng một cách máy móc được. Vậy chúng ta học điều gì từ việc xem ảnh của người khác?
1. Tại sao ta thấy ảnh của họ đẹp? Nó thú vị, thu hút ở đâu? Cảm xúc nhận được là gì khi xem ảnh? Chỉ rõ ra, rồi dần dần bạn sẽ biết cách làm theo.
2. Học tư duy về thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua ảnh. Đây là điều quan trọng nhất!
3. Học cách bố cục, góc nhìn. Tại sao lại là góc thấp, góc cao. Hay tại sao là bố cục đường dẫn, bố cục 1/3,...
4. Học cách set up ánh sáng. Phối hợp như thế nào giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.
5. Tự phân tích tại sao trong môi trường đó, điều kiện đó, tác giả lại chọn thông số máy ảnh như vậy. Tốc độ màn trập? Filter 10 stop? Khẩu khép f16? v.v... rất nhiều lý do.
6. Cuối cùng, quan trọng nhất là áp dụng những phán đoán, phân tích trên vào thực hành. Hãy cầm máy lên, trải nghiệm tất cả những chia sẻ mà tác giả nói đến, cộng với tư duy của bản thân. Hãy chụp ra những bức hình cụ thể, nâng cấp, thay đổi, làm đi làm lại. Thành công sẽ đến với bạn!
Tất cả đều có tiêu chí cụ thể, có điều thang đo thế nào là tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Có một lời khuyên để các bạn nâng cao dần "con mắt" đánh giá của mình lên, đó là tham gia các cuộc thi ảnh uy tín cả ở Việt Nam và Thế giới. Tại đó, chúng ta sẽ được tiếp cận với khung tiêu chí và thang chấm điểm cụ thể.
Tuy nhiên tựu chung lại, có các yếu tố sau để đánh giá một tác phẩm nhiếp ảnh:
Các thành phần của một tấm ảnh
Với cá nhân tôi, Nội dung là vua, Kỹ thuật là hoàng hậu, còn Thiết bị là... hoàng tử!
Mỗi cuộc thi, mỗi người xem sẽ có mức độ quan tâm đến từng tiêu chí khác nhau và khả năng đánh giá khác nhau. Do đó, không thể đồng nhất chung cho tất cả được. Lưu ý, vẻ đẹp sẽ có số đông và số ít cùng quan điểm. Bạn hãy chủ động để hoà mình vào cuộc chơi nhiếp ảnh của bản thân và cộng đồng nhé!
Nguồn: nhiepanh.wiki
Ngày:11/14/2024 lúc 08:31PM
Ngày:11/09/2024 lúc 03:56PM
Ngày:10/15/2024 lúc 01:25PM
Ngày:11/18/2022 lúc 04:19PM
Ngày:11/10/2024 lúc 07:56PM